news

3 giai đoạn chuyển dạ mà mẹ bầu cần ghi nhớ

 Dược sĩ Nguyễn Thị Thảo
 Bác sĩ Phạm Thị Thục
Với nhiều chị em làm mẹ và mang thai lần đầu sẽ không tránh khỏi những bỡ ngỡ, ít kinh nghiệm lúc gần sinh cũng như chuyển dạ. Hiểu rõ về chuyển dạ như thế nào và chuyển dạ có mấy giai đoạn sẽ giúp chị em thêm phần vững tâm, không còn lo lắng trước lúc vượt cạn. Mời mẹ cùng tìm hiểu về 3 giai đoạn chuyển dạ giúp mẹ hiểu rõ về khoảnh khắc thiêng liêng khi bé chào đời nhé.

Chuyển dạ thường gồm 3 giai đoạn

  • Giai đoạn đầu tiên: thời điểm bắt đầu chuyển dạ thực sự cho đến khi cổ tử cung giãn hoàn toàn đến 10 cm.
  • Giai đoạn thứ hai: Khoảng thời gian sau khi cổ tử cung giãn ra 10 cm cho đến khi em bé được sinh ra.
  • Giai đoạn thứ ba: Sổ nhau thai ra ngoài

1. Giai đoạn đầu tiên của chuyển dạ

Đây có lẽ là khoảng thời gian mà mẹ bầu cần người thân bên cạnh mình nhất để kịp thời đưa tới các cơ sở y tế chuẩn bị vượt cạn, không những vậy sự có mặt của người thân sẽ tiếp thêm sức mạnh tinh thần để mẹ bầu không cảm thấy cô đơn, lo sợ khi chuẩn bị đối mặt với thử thách đầy cam go.

 

Giai đoạn đầu tiên bắt đầu chuyển dạ với biểu hiện điển hình đó chính là sự giãn nở cổ tử cung và được chia thành 3 giai đoạn nhỏ hơn:

Chuyển dạ sớm

Đây thường là giai đoạn chuyển dạ kéo dài nhất trong khoảng 8-12h và ít dữ dội nhất. Chuyển dạ sớm là giai đoạn có sự giãn nở của cổ tử cung đến 3-4 cm. Hiện tượng này có thể xảy ra trong vài ngày, vài tuần hoặc chỉ một vài giờ ngắn ngủi.

 

Các cơn co thắt mẹ bầu có thể cảm nhận như đau lưng dưới, chuột rút hay co thắt ở vùng xương chậu xuất hiện với nhiều mức độ khác nhau trong giai đoạn này từ nhẹ đến mạnh, xảy ra theo chu kỳ đều đặn hoặc không thường xuyên.

 

Các triệu chứng khác trong giai đoạn này có thể bao gồm đau lưng, chuột rút và tiết dịch nhầy. Ngoài ra, vỡ nước ối có thể xảy ra bất cứ lúc nào trong giai đoạn chuyển dạ sớm này.

 

Trong giai đoạn này mẹ bầu cần cố gắng bình tĩnh và thư giãn nhất có thể, nếu có thể mẹ nên nạp thêm năng lượng bằng cách uống nhiều nước và ăn một chút đồ ăn mềm, dễ tiêu hóa. Bên cạnh đó, mẹ bầu sắp sinh cần chuẩn bị những đồ đạ cần thiết và nhờ người thân, những người xung quanh đưa đến bệnh viện hoặc trung tâm y tế để chuẩn bị vượt cạn.

Chuyển dạ tích cực

Giai đoạn tiếp theo của giai đoạn chuyển dạ đầu tiên xảy ra khi cổ tử cung giãn từ 3-4 cm đến 7 cm. Đây là khoảng thời gian mà mẹ bầu cần có mặt tại bệnh viện hoặc các trung tâm y tế sinh sản để nhờ tới sự hỗ trợ của các nhân viên y tế và bác sỹ.

 

Giai đoạn chuyển dạ này thường kéo dài khoảng 3-5 giờ tùy theo cơ địa của từng mẹ. Các cơn co thắt trở nên mạnh hơn, kéo dài hơn và tần xuất gần nhau hơn và các triệu chứng khác có thể bao gồm đau lưng và chảy máu, đây cũng là một trong những dấu hiệu chuyển dạ sắp sinh điển hình

 

Đây cũng là khoảng thời gian mà mẹ bầu trải qua nhiều nỗi đau về thể chất nên rất cần sự động viên, khích lệ từ người thân. Người nhà có thể massage phần lưng dưới và bụng cho chị em để giúp bà bầu cảm thấy thoải mái hơn nhé.

Chuyển dạ chuyển tiếp

Đây là giai đoạn chuyển dạ dữ dội nhất với sự gia tăng mạnh các cơn co thắt. Chúng trở nên mạnh mẽ và xuất hiện dữ dội và gần nhau hơn, cách nhau khoảng hai đến ba phút và trung bình kéo dài trong 60 đến 90 giây. Cổ tử cung tiếp tục giãn nở thêm 3 cm và thường xảy ra trong một khoảng thời gian rất ngắn.

 

Có thể nói đây chính là giai đoạn chuyển dạ nhiều thử thách và ngắn nhất, kéo dài khoảng 30 phút đến 2 giờ. Cảm nhận của các chị em lúc này có thể là ớn lạnh hoặc bốc hỏa, thậm chí là đầy hơi nữa đấy.

 

Giai đoạn đầu tiên chuyển dạ

Giai đoạn đầu tiên trong quá trình chuyển dạ

2. Giai đoạn thứ hai của chuyển dạ - Vỡ òa trong cảm xúc

Trong giai đoạn thứ hai, cổ tử cung bị giãn hoàn toàn, một số phụ nữ cảm thấy em bé đạp rất nhiều và như bị thôi thúc để rặn đẻ. Những điều chị em nên làm trong khoảng thời gian này chính là:

 

  • Sử dụng tất cả sức lực, năng lượng của mẹ để rặn đẻ.
  • Đừng nản lòng khi thấy đầu bé của bạn nổi lên ra ngoài và sau đó trượt trở lại vào âm đạo.
  • Nghỉ ngơi và hít thở sâu giữa các cơn co thắt để giúp lấy lại sức lực.
  • Và điều quan trọng nhất là hãy làm theo hướng dẫn, yêu cầu của bác sỹ chuyên khoa nhé.

 

Giai đoạn này có lẽ khoảng thời gian hạnh phúc nhất trong cuộc đời mỗi người phụ nữ, đánh dấu sự kiện bé yêu chào đón thế giới bên ngoài bằng tiếng khóc chào đời đầu tiên trong niềm vui sướng, hân hoan của những người thân, bác sỹ và các nhân viên y tế.

 

Rặn em bé ra ngoài

Giai đoạn thứ 2 của chuyển dạ

3. Giai đoạn thứ ba của chuyển dạ– Sổ nhau thai ra ngoài

Vậy là mẹ sắp hoàn thành xong nhiệm vụ của mình rồi nhé, chỉ còn bước sổ nhau thai ra ngoài, mẹ cần cố gắng làm theo yêu cầu và hướng dẫn của bác sỹ nhé.

 

Các cơn co thắt nhẹ sẽ giúp tách nhau thai ra khỏi thành tử cung và di chuyển xuống phía dưới âm đạo. Nếu trong quá trình sinh thường, mẹ được bác sỹ chỉ định rạch tầng sinh môn thì khi kết thúc quá trình này bác sỹ tiến hành khâu vết thương ngay khi nhau thai được loại bỏ.

 

Vậy là quá trình chuyển dạ, vượt cạn đã kết thúc, xin được chúc mừng những nỗ lực phi thường, sự chịu đựng mạnh mẽ của các mẹ trước những khó khăn thử thách trong suốt hơn 9 tháng mang nặng đẻ đau. Giờ đây, mẹ có thể thư giãn và ngắm nhìn thiên thần bé bỏng trong vòng tay của mình rồi nhé.

 

Sổ nhau thai ra ngoài

Giai đoạn thứ ba - Sổ nhau thai ra ngoài

 

Tuy nhiên mẹ bầu nên ở lại bệnh viện trong khoảng vài giờ đến vài ngày để ổn định sức khỏe cũng như để bác sỹ có thể theo dõi tình trạng co bóp của tử cung và đảm bảo mẹ chảy máu không quá nhiều. Nếu như mẹ cảm thấy có điều gì bất ổn chẳng hạn như quá đau, mẹ hãy mạnh dạn trao đổi với bác sỹ để xử lý kịp thời nhé.

 

Và còn một điều cũng rất quan trọng nữa đó là khi em bé chào đời, mẹ cần nhờ người thân làm giấy chứng sinh tại các bệnh viện, trung tâm y tế nơi mẹ sinh nở để giúp cho quá trình đăng ký thủ tục làm giấy khai sinh của bé sau này được dễ dàng và nhanh chóng hơn nhé.

 

Mong rằng qua bài viết trên, các mẹ bầu đã hiểu hơn về 3 giai đoạn chuyển dạ đầy thử thách và khó khăn phía trước rồi nhỉ. Chúc các chị em sẽ luôn kiên cường vượt qua quá trình chuyển dạ được “mẹ tròn con vuông” và tận hưởng được nhiều niềm vui khi lên chức làm mẹ nhé.

 

Dược sỹ: Mai Anh

GỬI CÂU HỎI hoặc ĐẶT HÀNG TẠI ĐÂY!