news

Áp xe vú khi đang nuôi con bằng sữa mẹ - Nỗi ám ảnh mất sữa của hàng ngàn mẹ

 Dược sĩ Nguyễn Thị Thảo
 Bác sĩ Phạm Thị Thục
Áp xe vú là bệnh gì? Vì sao nhiều mẹ đang cho con bú lại dễ bị áp xe vú? Dấu hiệu nào giúp mẹ nhận biết bị áp xe vú, điều trị bệnh ra sao và phòng ngừa kiểm soát thế nào?.... hàng loạt các câu hỏi xoay quanh căn bệnh áp xe vú sẽ được giải đáp trong bài viết, mời mẹ theo dõi:

1. Áp xe vú là bệnh gì?

Áp-xe vú (Abscess vú) là tình trạng trong vú có nang giống túi chứa đầy mủ và được bao quanh bởi các mô viêm (sưng, đỏ). Tình trạng viêm và áp xe vú là do xâm nhập của vi khuẩn vào các mô vú thông qua núm vú và gây ra nhiễm khuẩn các ống dẫn sữa và các tuyến sữa.

 

áp xe vú

Bệnh áp xe vú

 

Cả nam và nữ đều có thể bị áp-xe vú. Tuy nhiên, áp-xe vú thường gặp ở phụ nữ, đặc biệt là phụ nữ đang trong thời kỳ sinh đẻ, nuôi con.

2. Nguyên nhân và cơ chế bệnh sinh áp xe vú

Nguyên nhân gây áp-xe vú ở cả nam và nữ là do vi khuẩn gây ra, trong đó hay gặp nhất là tụ cầu và liên cầu, ít gặp hơn là lậu cầu, phế cầu, trực khuẩn thương hàn, vi khuẩn kỵ khí.

 

Yếu tố nguy cơ gây áp xe tuyến vú ở hầu hết các bà mẹ đang nuôi con bằng sữa mẹ là khi sức đề kháng của cơ thể suy giảmdo ốm đau, ăn uống thiếu chất, thức đêm nhiều, lao động vất vả ít được nghỉ ngơi… bị ứ đọng sữa trong tuyến vú.

3. Dấu hiệu bệnh áp xe vú

Các dấu hiệu lâm sàng của bệnh áp xe vú biểu hiện phụ thuộc vào vị trí, giai đoạn và sự tiến triển của quá trình viêm. Có thể chia ra thành 2 giai đoạn chính là: giai đoạn viêm và giai đoạn tạo thành áp xe.

 

Biểu hiện của giai đoạn viêm:

  • Sốt cao, cơ thể mệt mỏi, đau đầu, mất ngủ.
  • Đau nhức sâu ở trong tuyến vú. Cơn đau tăng khi cử động vai, cánh tay, và cho con bú.
  • Bên vú bị viêm sưng to ra, hạch nách cùng bên to và đau. Vùng da trên ổ viêm có thể bình thường nếu ổ viêm ở sâu trong tuyến, có thể nóng, sưng đỏ, phù nề nếu ổ viêm nằm ngay dưới da hoặc trên bề mặt của tuyến.

 

Biểu hiện của giai đoạn tạo thành áp-xe:

  • Những túi mủ khu trú ở vú hình thành do sự hoại tử các mô. Có thể có một hay nhiều ổ áp-xe nằm ở một hoặc nhiều thùy khác nhau của tuyến vú.
  • Mọi triệu chứng của giai đoạn viêm đều tăng lên.
  • Hội chứng nhiễm khuẩn, nhiễm độc như sốt cao, rét run, môi khô, lưỡi bẩn, đau đầu, khát nước, da xanh, gầy yếu nhanh.
  • Vú sưng to; vùng da trên ổ áp-xe thường nóng, căng, sưng đỏ hay phù tím.
  • Nếu ổ áp-xe nằm ở sâu thì da cũng có thể vẫn bình thường. Các tĩnh mạch dưới da nổi rõ, có biểu hiện viêm hạch bạch huyết, núm vú tụt. Nếu ổ áp-xe thông với các ống dẫn sữa thì có thể thấy sữa lẫn mủ chảy qua đầu núm vú.

4. Biến chứng áp xe vú

Mẹ bị viêm tuyến vú nếu không được điều trị hoặc điều trị không đúng cách có thể diễn biến theo các hướng sau:

 

Viêm xơ tuyến vú mãn tính:

Là hậu quả của việc mẹ dùng kháng sinh kéo dài ở giai đoạn áp xe hoặc là hậu quả của các quan niệm sai lầm: tiêm trực tiếp kháng sinh vào tuyến vú để điều trị bệnh áp xe vú. Ở giai đoạn này bệnh có dấu hiệu như không sốt hoặc chỉ sốt nhẹ, khi khám có thể sờ thấy một vùng thâm nhiễm rắn như sụn, bề mặt da lổn nhổn, ranh giới không rõ ràng, không dính da, ít đau.

 

Viêm mô liên kết (viêm tấy tuyến vú):

Viêm mô liên kết xảy ra gây mủ tuyến vú khi dịch tiết lẫn mủ nằm giữa các lớp da, tổ chức lỏng lẻo dưới da, tổ chức liên kết và tổ chức tuyến vú. Ổ viêm lan rộng, thấm vào các mô. Viêm mô liên kết thường biểu hiện bằng hội chứng nhiễm trùng, nhiễm độc toàn thân nặng, vùng thâm nhiễm không có ranh giới rõ ràng.

 

Hoại tử vú:

Hoại tử vú được coi là biến chứng nặng nhất cả quá trình viêm mủ vú do những vi trùng có độc tính cao hoặc do trực khuẩn hoại tử gây ra. Người bệnh bị hoại tử vú có dấu hiệu bị nhiễm trùng, nhiễm độc nặng, huyết áp tụt, toàn thân suy nhược nặng nề. Vú sưng căng to, phù nề, da trên ổ áp-xe có màu vàng nhạt, có thể hoại tử, hệ thống hạch bạch huyết sưng đau.

5. Cách chữa trị áp xe vú

Tuỳ theo vị trí và kích thước của ổ áp-xe mà bác sĩ sẽ chỉ định điều trị khác nhau.

điều trị áp xe vú

Trường hợp áp xe vú được phát hiện sớm, người bệnh có thể điều trị bằng kháng sinh và không cần phẫu thuật.

 

Tuy nhiên nếu phát hiện bệnh ở giai đoạn sau, lúc này người bệnh cần phải chích rạch và dẫn mủ trong ổ áp xe ra ngoài:

  • Với các áp xe ở nông dưới da và vùng quầng vú: Điều trị giống như chích nhọt ở nơi khác.
  • Với các áp xe thể tuyến dưới: Khi điều trị, bác sĩ cần gây mê hoặc gây tê tại chỗ, thực hiện chích áp xe theo đường nan hoa ở chỗ thấp nhất trên vùng áp xe. Chiều dài đường rạch từ 7-10cm nhưng phải cách núm vú từ 2-3 cm. Dùng ngón tay đưa vào vùng ổ mủ để phá hết các vách xơ. Bằng đường rạch như trên, nếu thấy khó tháo mủ vì áp xe có nhiều ổ thì có thể thực hiện rạch đường thứ hai. Sau khi tháo mủ xong cần đặt dẫn lưu bằng ống cao su hoặc độn gạc. Cần bơm rửa ổ áp xe hàng ngày qua ống dẫn lưu bằng dung dịch sát trùng, kết hợp sử dụng kháng sinh toàn thân. Lưu ý trong trường hợp đường rạch tháo mủ không đủ rộng, mủ có thể bị ứ lại và quá trình viêm sẽ lan sang các thuỳ tuyến lân cận.
  • Với các áp xe ở sau tuyến: Cần thực hiện rạch tháo mủ theo đường vòng cung ở bờ dưới, ngoài tuyến vú. Sau khi chích tháo mủ xong cần đặt ống dẫn lưu hoặc độn gạc. Sau mổ, cần rửa ổ áp xe hàng ngày bằng các dung dịch sát trùng dể tạo điều kiện cho quá trình liền sẹo của ổ áp xe nhanh hơn.

Bằng việc tuân thủ theo chỉ định của bác sĩ trong quá trình điều trị áp xe vú, mẹ có thể kiểm soát trình trạng bệnh bằng một số cách sau:

  • Giữ lối sống lành mạnh. Mẹ nên nghỉ ngơi,ăn các thực phẩm giàu dinh dưỡng và uống nhiều nước trong quá trình điều trị.
  • Luôn giữ vệ sinh cá nhân. Mẹ có thể sử dụng khăn ấm và ẩm đè lên vùng mô bị nhiễm trùng.
  • Ngưng cho con bú. Mẹ hãy luôn vệ sinh sạch sẽ vùng vú, nhất là đầu vú. Tốt nhất bạn nên dừng cho con bú bên vú bị bệnh cho đến khi khỏi bệnh hoàn toàn.
  • Chườm gạc lạnh hoặc túi lạnh lên ngực giữa các lần cho con bú để giảm đau và sưng. Không áp trực tiếp gói lạnh vào da vì có thể gây tổn thương da. Bọc nó trong một miếng vải sạch hoặc khăn trước khi sử dụng.
  • Nhẹ nhàng xoa bóp ngực của bạn từ vùng sưng về phía núm vú, và từ núm vú về phía nách.
  • Dùng thuốc giảm đau. Thuốc chống viêm không cần kê đơn, chẳng hạn như ibuprofen, có thể làm giảm các triệu chứng như đau do cảm cúm hay sốt.
  • Loại bỏ áp lực lên ngực. Mặc áo ngực rộng hoặc không mặc. Đừng để con ngủ trên bụng hoặc để em bé nằm trên ngực.
  • Nhờ trợ giúp: Hãy liên lạc với bác sĩ để họ có thể tư vấn, bạn sẽ nhận được sự hướng dẫn và hỗ trợ tinh thần, giúp bạn có thể hồi phục hồi và tiếp tục cho con bú.

Lời khuyên cho các bà mẹ đang trong quá trình cho con bú để phòng tránh bị áp xe vú cần giữ gìn vệ sinh tốt vùng vú trước và sau khi cho con bú. Cho con bú đúng cách, tuyệt đối không cho con ngậm ngai vú lâu tránh sây sát, rạn nứt đầu núm vú, tránh ứ đọng sữa, tắc tia sữa.

 

Hy vọng thông qua bài viết mẹ đã hiểu rõ hơn về căn bệnh áp xe vú, nắm được cách điều trị và phòng bệnh hiệu quả. Chúc mẹ và bé luôn khỏe mạnh, luôn đảm bảo được dòng sữa tốt ngọt ngào cho con bú lớn khôn.

 

Dược sĩ: Hoài Thu

 

GỬI CÂU HỎI hoặc ĐẶT HÀNG TẠI ĐÂY!