news

Lịch tiêm phòng cho bà bầu giúp bảo vệ cả mẹ và bé

 Dược sĩ Nguyễn Thị Thảo
 Bác sĩ Phạm Thị Thục
Ngay từ những ngày đầu tiên khi chỉ là bào thai, bé yêu cùng mẹ bầu đã bắt đầu một hành trình mới của sự phát triển và chống chọi lại các tác động gây hại từ bên ngoài. Một trong những cách bảo vệ sức khỏe tốt nhất trong suốt thai kỳ cho cả mẹ và bé chính là tiêm phòng vắc xin. Mời các chị em cùng tìm hiểu về những mũi tiêm phòng khi mang thai lần đầu, các lần tiếp theo và lịch tiêm phòng cho bà bầu ngay dưới đây nhé.

1. Tiêm phòng khi mang thai lần đầu

Mẹ bầu biết không tiêm phòng khi mang thai lần đầu tiên là một phần quan trọng trong việc chăm sóc sức khỏe và giúp ngăn ngừa một số bệnh nguy hiểm có thể truyền từ mẹ sang con, những mũi vắc xin nhỏ bé có thể là tấm lá chắn cực tốt trước sự tấn công của nhiều loại vi rút, vi khuẩn gây hại đấy. Dưới đây là một số những mũi tiêm phòng mà bà bầu cần ghi nhớ nhé.

1.1. Tiêm phòng uốn ván bà bầu

Theo các chuyên gia y tế, nếu mẹ mang thai lần đầu và chưa tiêm phòng uốn ván trong vòng 5 năm gần nhất thì các chị em nên đi tiêm phòng uốn ván nhé.

 

Một trong những thắc mắc phổ biến khi tiêm phòng uốn ván đó chính là bà bầu tiêm phòng uốn bị sốt không hay là có ảnh hưởng đến thai nhi không? Trên thực tế, mẹ bầu cần hiểu rằng vắc xin phòng bệnh uốn ván là loại vắc xin rất an toàn đối với bà mẹ mang thai.

 

Loại vắc xin này có chứa kháng nguyên dùng để kích thích cơ thể tạo ra đáp ứng miễn dịch, chính là các kháng thể. Trong quá trình này, cơ thể xuất hiện những phản ứng như sốt, đây là điều hoàn toàn bình thường. Nếu mẹ bị sốt cao và kéo dài thì không nên tự ý sử dụng thuốc mà nên đến gặp bác sỹ để có biện pháp xử lý kịp thời nhé.

 

Tiêm phòng uốn ván cho bà bầu

Tiêm phòng uốn ván cho bà bầu là mũi tiêm quan trọng

 

Ngoài ra, các chuyên gia y tế cũng khuyến cáo nên phụ nữ mang thai nên tiêm vắc xin uốn ván, bạch hầu, ho gà kết hợp nếu có chỉ định của bác sỹ trong khoảng tuần thứ 27 -36 của thai kỳ để bảo vệ trẻ sinh ra không bị mắc bệnh ho gà.

1.2. Một số loại vắc xin tiêm phòng khác

Nếu trước khi mang thai mà mẹ bầu chưa hoàn thành xong các mũi tiêm phòng vắc xin viêm gan B, vắc xin phòng cúm thì trong thai kỳ, mẹ cũng nên bổ sung.

 

Vắc xin viêm gan B

Nhiễm viêm gan B ở phụ nữ mang thai có thể gây ra những biến chứng nặng cho người mẹ và có thể làm tăng nguy cơ sinh non. Mặt khác virus viêm gan B rất dễ lây từ mẹ sang con, theo nhiều nghiên cứu trẻ sơ sinh bị lây nhiễm viêm gan B từ mẹ dễ bị xơ gan hoặc các bệnh lý về gan mạn tính hơn trẻ bình thường. Vì vậy, mẹ đừng quên tiêm vắc xin trước hoặc trong quá trình mang thai nhé.

 

Bên cạnh đó, tất cả chị em có thai cần được xét nghiệm HbsAg sớm khi mang thai lần đầu để kiểm tra xem mình có mắc viêm gan B hay không và có biện pháp dự phòng lây truyền sang con.

 

Vắc xin tiêm phòng cúm

Mẹ bầu đã biết về tác hại của bệnh cúm nếu mắc phải trong quá trình mang thai chưa? Những biến chứng mà bệnh cúm gây ra đối với thai nhi và mẹ bầu rất tồi tệ như viêm phổi, suy hô hấp hoặc là những dị tật bấm sinh ở thai nhi.

 

Do đó, mẹ bầu cũng cần thiết bổ sung thêm vắc xin phòng bệnh cúm nếu trước khi mang thai mẹ chưa tiêm nhé. Hơn thế nữa, vắc xin phòng cúm tiêm khi mẹ mang bầu cũng có thể giúp bảo vệ bé yêu hạn chế mắc bệnh cúm trong 6 tháng đầu đời. Quả là lợi ích rất tuyệt vời, 1 mũi tên trúng 2 đích các mẹ bầu nhỉ?

2. Tiêm phòng khi mang thai lần 2, lần 3 có khác so với lần trước đó không?

Tiêm phòng khi mang thai lần 2, lần 3 có khác so với lần trước đó không thì điều này phụ thuộc vào các mũi tiêm mà mẹ bầu đã tiêm trước đó và khoảng thời gian tiêm trước đó có cách lâu không.

 

Với những loại vắc xin tiêm phòng không tạo ra đáp ứng miễn dịch suốt đời mà số lượng kháng thể giảm dần theo thời gian khi đến lần mang thai thứ 2, thứ 3 mẹ bầu vẫn cần tiêm nhắc lại nếu chưa tiêm loại vắc xin đó trong vòng 5 năm gần nhất, ví dụ như: vắc xin uốn ván, viêm gan B. Còn đối với tiêm phòng Cúm thì Bộ Y tế khuyến cáo nên tiêm hàng năm.

 

Bên cạnh đó, mẹ bầu cũng nên làm các xét nghiệm kiểm tra kháng thể để biết cơ thể đã tạo ra được miễn dịch đầy đủ trước hoặc sau khi tiêm chủng, từ đó có biện pháp xử lý kịp thời.

 

Tiêm phòng mang thai lần 2

Tiêm phòng khi mang thai lần 2, lần 3 phụ thuộc vào các lần tiêm trước đó

3. Lịch tiêm phòng cho bà bầu

Dưới đây là lịch tiêm phòng cho bà bầu, các chị em và người thân cùng tìm hiểu và ghi nhớ nhé:

 

- Tiêm phòng uốn ván:

 

+ Mang thai lần đầu và chưa tiêm uốn ván trong vòng 5 năm gần nhất: mẹ nên tiêm 2 mũi, mũi đầu tiên trong 3 tháng giữa của thai kỳ, mũi thứ 2 cách mũi 1 ít nhất là 1 tháng và trước khi sinh ít nhất 1 tháng.

 

+ Nếu mẹ mang thai lần 2, lần 3 và trong vòng 5 năm gần nhất chưa tiêm nhắc lại thì nên tiêm 1 mũi vắc xin uốn ván vào 3 tháng giữa của thai kỳ.

 

+ Nếu mẹ bầu đã từng tiêm 3-4 mũi uốn ván trước đó, lần tiêm cuối cùng > 1 năm thì cần tiêm 1 mũi nhắc lại.

 

+ Nếu mẹ bầu đã tiêm đầy đủ 5 mũi uốn ván trong vòng 10 năm gần nhất thì không cần tiêm nhắc lại ở lần mang thai kế tiếp, nhưng nếu đã tiêm trên 5 năm thì mẹ vẫn cần tiêm nhắc lại 1 mũi.

 

- Tiêm vắc xin phòng ngừa viêm gan B:

 

Nếu như trước khi mang thai hoặc trong vòng 5-10 năm gần nhất, mẹ chưa tiêm vắc xin tiêm phòng viêm gan B đầy đủ thì mẹ có thể bổ sung loại vắc xin này khi mang bầu nhé. Mũi tiêm này tiêm theo chỉ định của bác sỹ, gồm 3 lần tiêm và tiêm trong vòng 6 tháng của thai kỳ và khoảng cách các mũi tiêm như sau:

 

  • Mũi đầu tiên: lần đầu tiên trong thai kỳ theo sự chỉ định của bác sỹ.
  • Mũi thứ hai: sau mũi đầu 1 tháng.
  • Mũi thứ 3: sau mũi đầu 6 tháng.

4. Tiêm phòng cho bà bầu ở đâu?

Việc tìm hiểu các địa điểm uy tín, chất lượng là rất cần thiết giúp mẹ an tâm “chọn mặt gửi vàng” khi tiêm phòng mang thai, nhằm phòng tránh những rủi ro, ảnh hưởng tiêu cực trong quá trình tiêm chủng. Dưới đây là một số địa chỉ mà mẹ bầu có thể tham khảo nhé.

 

Tại Hà Nội

- Trung tâm tiêm chủng Vắc xiin dành cho trẻ em và người lớn VNVC

   + Số 180 Trường Chinh, phường Khương Thượng, Đống Đa, Hà Nội

   + Số điện thoại: 1800 6595

 

- Trung tâm Y tế dự phòng:

    + 50C Hàng Bài, số điện thoại: 04.38229263

    + 70 Nguyễn Chí Thanh, số điện thoại: 04. 37730268

 

- Trung tâm tiêm chủng Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương

    + 131 Lò Đúc, Quận Hai Bà Trưng Hà Nội

    + Số điện thoại: 024 3972 4124

 

Tại TP. HCM

  • Bệnh viện Từ Dũ: 284 Cống Quỳnh, Quận 1, TP. HCM, số điện thoại: 08. 38391229
  • Viện Paster thành phố Hồ Chí Minh: 167 Pasteur, phường 8, quận 3, số điện thoại: 08 38230352
  • Bệnh viện Đại học Y Dược thành phố Hồ Chí Minh – cơ sở 3: 221B Hoàng Văn Thụ, Quận Phú Nhuận, TP.HCM

5. Không tiêm phòng cho bà bầu có sao không?

Mẹ hãy thử tưởng tượng nhé, vắc xin tiêm phòng trong quá trình mang thai giống như một “ tấm lá chắn” bảo vệ cho sức khỏe của cả mẹ và bé. Khi thiếu đi tấm lá chắn này thì nguy cơ mắc bệnh của cả mẹ và bé tăng cao hơn rất nhiều, không những vậy nhiều bệnh có thể gây nguy hiểm làm hại đến thai nhi, chẳng hạn như bệnh cúm gây ra dị tật bẩm sinh ở thai nhi.

 

Chỉ cần chịu đau như “kiến cắn” một chút khi đi tiêm phòng là mẹ đã giúp thiên thần nhỏ của mình hạn chế những nguy cơ mắc bệnh tật và giúp bé yêu phát triển toàn diện rồi đúng không nào? Vậy đừng chần chừ nữa các mẹ bầu nhé, hãy đến với cơ sở và trung tâm tiêm phòng uy tín trên cả nước để nhận được sự tư vấn, kiểm tra của các bác sỹ giúp mẹ bầu có thể tiêm phòng đúng cách và an toàn nhé.

 

Có thể trong một số trường hợp, mẹ bầu không tiêm phòng trong quá trình mang thai thì trước và sau khi sinh em bé xong, bạn cần nắm rõ lịch khám thai theo tuần, theo tháng và đến khám bác sỹ để nhận được sự tư vấn hợp lý nhằm hạn chế sự lây nhiễm có thể gặp cho bé trong quá trình vượt cạn và tiêm phòng đầy đủ cho bé sơ sinh nhé.

 

Mong rằng qua bài viết về chủ đề tiêm phòng cho bà bầu, mẹ đã hiểu hơn về vai trò, tác dụng của việc tiêm phòng và ghi nhớ kỹ hơn về các lịch tiêm phòng cho bà bầu. Chúc mẹ bầu có khoảng thời gian thai kỳ mạnh khỏe và nhiều niềm vui nhé!

 

Dược sĩ: Mai Anh

 

GỬI CÂU HỎI hoặc ĐẶT HÀNG TẠI ĐÂY!