news

Tổng hợp thông tin về các loại vắc xin phối hợp tiêm phòng cho trẻ

 Dược sĩ Nguyễn Thị Thảo
 Bác sĩ Phạm Thị Thục
Trên thị trường hiện nay, có nhiều loại vắc xin phối hợp như vắc xin tiêm phòng 3 trong 1, 4 trong 1, 5 trong 1, 6 trong 1, vắc xin DPT khiến cha mẹ đôi khi bị nhiễu loạn, “râu ông này cắm cằm bà kia” và không biết được hết về tác dụng và thời gian đi tiêm từng loại vắc xin cho bé. Bài viết dưới đây sẽ cung cấp thông tin về các loại vắc xin phối hợp này, mời các bậc phụ huynh cùng đọc và tìm hiểu rõ hơn nhé.

1. Ưu điểm của vắc xin phối hợp tiêm cho trẻ

Bạn chắc hẳn còn nhớ những năm tháng trước đây khi mà những loại vắc xin phối hợp chưa được ứng dụng trên lâm sàng, trẻ em được bố mẹ đưa đi tiêm chủng rất nhiều lần, mỗi lần như vậy trẻ khóc thét, thậm chí còn ám ảnh, sợ hãi đến khi lớn và khá tốn thời gian của bố mẹ nữa.

 

Hiểu rõ được những vấn đề này, các nhà nghiên cứu đã cho ra đời nhiều loại vắc xin phối hợp, mục đích chính của việc này chính là: làm giảm số lần đi tiêm chủng của trẻ, hạn chế việc bố mẹ đỡ bị quên một số mũi tiêm cho trẻ, tiết kiệm thời gian đi lại cho bố mẹ...

 

Ngoài ra, việc sản xuất các loại vắc xin phối hợp là rất cần thiết giúp giảm chi phí vận chuyển và bảo quản cho các công ty, hãng dược phẩm.

 

Bên cạnh đó theo các chuyên gia, các loại vắc xin kết hợp như vậy giảm nguy cơ gặp phải các phản ứng bất lợi cho trẻ khi tiêm chủng. Do vậy, nếu có sự chỉ định của bác sỹ thì cha mẹ hoàn toàn có thể đưa trẻ đi tiêm các mũi vắc xin phối tại các cơ sở tiêm uy tín, chất lượng nhé.

2. Vắc xin tiêm phòng 3 trong 1

Vắc xin tiêm phòng 3 trong 1 là loại vắc xin sống giảm động lực có tên biệt dược là MMR, có tác dụng phòng ngừa 3 bệnh hay gặp ở trẻ nhỏ như sởi, quai bị, rubella. Liều dùng cho mọi lứa tuổi là 0.5ml, tiêm vào vị trí như tiêm dưới da hoặc tiêm bắp.

 

Thời gian đưa trẻ đi tiêm phòng vắc xin 3 trong 1-MMR là khi trẻ đc 12 tháng tuổi và cần tiêm mũi nhắc lại khi trẻ trong độ tuổi 2-6 tuổi.

3. Vắc xin tiêm phòng 4 trong 1

Vắc xin tiêm phòng 4 trong 1 có tên biệt dược là Tetraxim, do công ty dược phẩm nổi tiếng Sanofi của Pháp sản xuất, giúp trẻ có thể phòng ngừa các bệnh bạch hầu, ho gà, uốn ván và bại liệt.

 

Các thành phần cho 1 liều 0.5ml:

Giải độc tố bạch cầu

≥ 30 I.U.

Giải độc tố uốn ván

≥ 40 I.U.

Các kháng nguyên Bordetella pertussis:

Giải độc tố ho gà tinh khiết

25 mcg

Hemagglutinin ho gà dạng sợi tinh khiết

25 mcg

Virus bại liệt týp 1 bất hoạt

40 D.U.*†

Virus bại liệt týp 2 bất hoạt

8 D.U.*†

Virus bại liệt týp 3 bất hoạt

32 D.U.*†

 

Theo khuyến cáo của các chuyên gia vắc xin tiêm phòng 4 trong 1 Tetraxim được chỉ định ở trẻ từ 2 tháng tuổi trở lên và tiêm nhắc lại khi trẻ được 5-11 tuổi.

4. Vắc xin tiêm phòng 5 trong 1

Với 1 mũi tiêm, trẻ sẽ được bảo vệ khỏi 5 bệnh bạch hầu, ho gà, uốn ván, bại liệt và các bệnh do vi khuẩn Hib gây ra (viêm màng não, viêm phổi…).

 

Trước đây, trong chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia, chúng ta đã sử dụng Vắc xin 5 trong 1 là Quinvaxem do Hàn Quốc sản xuất cho trẻ. Tuy nhiên, loại vắc xin này đã tạm dừng sản xuất nên từ tháng 6/2018, bộ Y tế đã thay thế Quinvaxem bằng vắc xin 5 trong 1 ComBE Five của Ấn Độ. Ngoài ra trên thị trường còn có loại vắc xin khác dùng trong tiêm chủng dịch vụ đó là Pentaxim.

 

- Vắc xin ComBE Five giúp phòng phòng ngừa bạch hầu, ho gà, uốn ván, viêm gan B và bệnh do vi khuẩn Hib gây ra. Tuy nhiên, loại vắc xin này lại không phòng bại liệt, do vậy cha mẹ cần bổ sung thêm vắc xin phòng bại liệt cho trẻ.

 

- Vắc xin Pentaxim (Pháp): Khác một chút so với vắc xin ComBE Five, vắc xin Pentaxim được tiêm cho trẻ nhằm phòng ngừa bạch hầu, ho gà, bại liệt, uốn ván và bệnh do vi khuẩn Hib gây ra. Tuy nhiên, khi cho trẻ tiêm phòng dịch vụ theo loại vắc xin này, cha mẹ cần đưa trẻ đi tiêm bổ sung thêm vắc xin phòng viêm gan B.

 

Thời gian tiêm phòng vắc xin 5 trong 1 là:

  • Tiêm 3 mũi lần lượt khi trẻ được 2, 3, 4 tháng
  • Tiêm nhắc lại: ở khoảng thời gian trẻ 12 – 24 tháng tuổi

5. Vắc xin tiêm phòng 6 trong 1

Vắc xin phối hợp 6 in 1 là loại vắc xin có thể phòng ngừa 6 bệnh như: bạch hầu, ho gà, uốn ván, bại liệt, viêm gan B, bệnh do vi khuẩn Hib gây ra (viêm phổi, viêm màng não…).

 

Hiện nay, vắc xin 6 trong 1 gồm 2 loại:

  • Vắc xin Infanrix hexa do hãng dược phẩm nổi tiếng GlaxoSmithKline (GSK) sản xuất và đây chính là loại vắc xin duy nhất trên thế giới phòng được bệnh sốt bại liệt, có giá 900.000-920.000 đồng/liều.
  • Vắc xin  Hexyon (Hexacima hoặc Hexaxim), do 2 công ty Sanofi Pasteur và Merck phối hợp nghiên cứu và sản xuất, có giá 1.000.000 – 1.020.000 đồng/liều.

 

Thời gian tiêm vắc xin 6 trong 1 cho trẻ như sau:

  • 3 mũi tiêm chính vào các thời điểm khi trẻ được 2, 3, 4 tháng tuổi
  • Mũi nhắc lại vào lúc trẻ được 18 tháng, cách ít nhất tối thiểu 6 tháng kể từ mũi tiêm cuối cùng

6. Vắc xin tiêm phòng DTP

Vắc xin DTP cũng là một trong những vắc xin hiệu quả trong phòng ngừa 3 bệnh bạch hầu, uốn ván và ho gà ở trẻ nhỏ.

 

Lịch tiêm vắc xin DTP cho trẻ như sau:

  • 3 mũi đầu tiên, mỗi mũi cách nhau từ 4-8 tuần, lần lượt vào các thời điểm khi trẻ được 2, 4 và 6 tháng tuổi
  • Mũi nhắc lại được tiêm vào thời điểm khi trẻ được 15 -20 tháng tuổi, sau mũi thứ 3 tối thiểu là 6 tháng.
  • Mũi thứ 5 được tiêm cho trẻ trước khi bé đi học và trong độ tuổi từ 4-6 tuổi

7. Lưu ý khi tiêm các loại vắc xin phối hợp

Hiểu rõ về những lưu ý khi tiêm các loại vắc xin phối hợp cũng là cách giúp bố mẹ và người thân có thêm nhiều kiến thức trong việc chăm sóc em bé trước và sau quá trình tiêm chủng.

Những trường hợp không nên tiêm phòng vắc xin phối hợp

Mẹ biết đấy, việc tiêm phòng vắc xin cho trẻ theo đúng lịch là rất tốt, tuy nhiên vẫn có nhiều trường hợp việc tiêm phòng bị gián đoạn vì nhiều lý do. Mẹ cần chú ý 2 tình huống dưới đây:

 

Không được cho trẻ đi tiêm phòng khi:

  • Trẻ đã từng có phản ứng nghiêm trọng hoặc bị sốc khi tiêm một trong những loại vắc xin phối hợp trước đó: sốt cao, co giật, khó thở…
  • Trẻ bị suy giảm chức năng của các cơ quan như: suy thận, suy tim, suy gan…
  • Trẻ bị mắc các hội chứng suy giảm miễn dịch ở người như HIV/AIDS.

 

Các trẻ cần tạm thời hoãn tiêm vắc xin:

  • Trẻ đang măc các bệnh nhiễm trùng, bệnh cấp tính.
  • Trẻ đang bị sốt thân nhiệt trên 37.5 độ C, hoặc nhiệt độ cơ thể thấp dưới 35.5 độ C.
  • Trẻ đang dùng hoặc kết thúc việc điều trị có sử dụng nhóm thuốc corticoid trong vòng 14 ngày gần đây.
  • Trẻ bị nhẹ cân, suy dinh dưỡng với mức cân nặng dưới 2kg.

Một số tác dụng phụ có thể gặp phải khi tiêm vắc xin phối hợp và cách xử trí

Mỗi lần đưa bé đi tiêm về thấy bé ốm sốt, nổi mẩn đỏ, trẻ quấy khóc vì đau làm cha mẹ không khỏi xót xa và rối bời. Đó có thể là một số tác dụng phụ có thể gặp khi cho trẻ đi tiêm chủng vắc xin phối hợp mà cha mẹ cần hiểu rõ nhé.

 

- Phản ứng nhẹ, thông thường: gặp nhiều ở trẻ nhỏ sau khi tiêm chủng

  • Phản ứng phụ tại chỗ: sưng, đỏ, đau
  • Sốt trên 38°C
  • Các phản ứng kích thích toàn thân mệt mỏi, khó chịu.

 

Hầu hết các phản ứng này sẽ dần biến mất và có thể tự khỏi, tuy nhiên cha mẹ vẫn cần theo dõi cẩn thận các bé sau khi tiêm phòng nhé.

 

- Phản ứng hiếm gặp, nghiêm trọng:

Một số các trường hợp xuất hiện tác dụng phụ với mức độ nặng có thể là do sự trùng hợp ngẫu nhiên với một bệnh lý mà trẻ đang mắc phải, hoặc cũng có thể do chất lượng của vắc xin không được đảm bảo trong quá trình vận chuyển, đóng gói, bảo quản hoặc do sự chỉ định nhầm lẫn của bác sỹ…Một số phản ứng hiếm gặp, nghiêm trọng như:

  • Sốc phản vệ.
  • Sốt cao co giật, khóc thét kéo dài trên 3 giờ đồng hồ.
  • Áp xe vô trùng.
  • Viêm thần kinh cánh tay.

 

Đây là những phản ứng nguy hiểm có thể de dọa tới tính mạng, nên cha mẹ cần đưa trẻ tới bệnh viện ngay để được kiểm tra và xử lý kịp thời.

 

Mong rằng qua những thông tin mà bài viết chia sẻ về các loại vắc xin phối hợp cho trẻ đã giúp các bậc phụ huynh có thêm nhiều hiểu biết khi đi tiêm phòng cho thiên thần nhỏ. Chúc bé yêu sẽ luôn mạnh khỏe và được bảo vệ tốt nhất bằng các mũi tiêm phòng nhé!

 

Dược sỹ: Mai Anh

GỬI CÂU HỎI hoặc ĐẶT HÀNG TẠI ĐÂY!