news

Thủ tục làm giấy khai sinh mới nhất cho bé mới sinh

 Dược sĩ Nguyễn Thị Thảo
 Bác sĩ Phạm Thị Thục
Đăng ký giấy khai sinh là thủ tục quan trọng đầu tiên đánh dấu sự kiện ngày em bé chào đời, giấy khai sinh sẽ đồng hành theo bé trong suốt cuộc đời sau này. Do vậy, các bậc phụ huynh cần biết thủ tục làm giấy khai sinh đúng theo quy định pháp luật, tránh sai sót đi lại nhiều lần mất nhiều thời gian. Để tìm hiểu chi tiết về thủ tục làm giấy khai sinh mới nhất, mời các bạn đọc bài viết dưới đây.

1. Ai có thể đăng ký thủ tục làm giấy khai sinh cho bé mới sinh?

Theo quy định, người đủ điều kiện đăng ký làm giấy khai sinh cho trẻ mới có thể là: bố, mẹ hoặc những người thân khác của em bé. Trong trường hợp bé được nhận nuôi thì cá nhân, tổ chức được trao quyền chăm sóc, nuôi dưỡng bé có thể đi đăng ký làm giấy khai sinh cho bé.

 

Trong thời hạn 60 ngày kể từ lúc bé chào đời, cha, mẹ hoặc những cá nhân, tổ chức kể trên có trách nhiệm đi làm giấy khai sinh cho trẻ. Nếu trong một số trường hợp đặc biệt, việc làm giấy khai sinh muộn quá 60 ngày thì sẽ bị cảnh cáo hoặc phạt tiền, do vậy cha mẹ cần chú ý nhé.

 

Cha mẹ và người thân

Cha mẹ và người thân của bé có thể làm giấy khai sinh cho trẻ

2. Các bước cần thiết trong đăng ký thủ tục làm giấy khai sinh cho con

Với sự cải cách hành chính của nhà nước hiện nay, thủ tục làm giấy khai sinh cho trẻ trở nên đơn giản, tiết kiệm thời gian hơn và không quá phức tạp như mọi người vẫn nghĩ. Dưới đây là quy trình trong thủ tục làm giấy khai sinh cho trẻ, bố mẹ cần nắm rõ nhé.

2.1. Cần chuẩn bị những giấy tờ gì khi đi làm giấy khai sinh cho trẻ mới sinh?

Khi đi đăng ký, mọi người cần chuẩn bị những giấy tờ như sau:

- Bản chính giấy chứng sinh có dấu xác nhận được cấp bởi Bệnh viện, trạm y tế hoặc cơ sở y tế nơi trẻ sinh ra. Trong một số trường hợp không có giấy chứng sinh như: trẻ bị bỏ rơi, trẻ không sinh ra tại các cơ sở y tế thì cần có giấy xác nhận của cơ quan có thẩm quyền về việc trẻ bị bỏ rơi hoặc văn bản xác nhận của người làm chứng khi bé không sinh ra tại các cơ sở y tế.

 

- Cha mẹ hoặc người thân của trẻ khi đi đăng ký thủ tục làm giấy sinh cần mang theo giấy tờ tùy thân hợp pháp có sự chứng nhận của các cơ quan thẩm quyền bao gồm:

  • Chứng minh thư nhân dân hoặc thẻ căn cước công dân.
  • Hộ chiếu, hộ khẩu hoặc giấy đăng ký tạm trú có thời hạn của cha, mẹ.
  • Giấy chứng nhận kết hôn của cha mẹ.

2.2. Đăng ký thủ tục làm giấy khai sinh cho trẻ tại Ủy ban nhân dân cấp xã, phường

Theo quy định của pháp luật, Ủy ban nhân dân (UBND) xã, phường được cấp phép làm giấy khai sinh cho trẻ có bố mẹ đăng ký hộ khẩu thường trú tại địa bàn hoặc có giấy đăng ký tạm trú tại địa phương đó.

 

Khi có mặt tại UBND, cha mẹ cần xuất trình giấy tờ đã chuẩn bị ở trên với cán bộ quản lý thủ tục làm giấy khai sinh. Sau đó, cha mẹ điền những thông tin cần thiết vào giấy khai sinh cho trẻ theo hướng dẫn của cán bộ quản lý.

 

Lưu ý: Những thông tin mà cha mẹ, người thân khai trên tờ giấy khai sinh của trẻ cần đảm bảo chính xác, nhất quán với những giấy tờ đã chuẩn bị từ trước như: chứng minh thư nhân dân, sổ hộ khẩu… để tránh những sai sót thường gặp.

 

UBND xã phường

Ủy ban nhân dân xã, phường là nơi cấp mới giấy khai sinh cho trẻ

2.2. Cơ quan có trách nhiệm thẩm quyền tiếp nhận hồ sơ đăng ký giấy khai sinh và tiến hành cấp giấy khai sinh

Sau khi tiếp nhận hồ sơ, cán bộ phụ trách Tư pháp ở địa phương có trách nhiệm đối chiếu, kiểm tra tính xác thực của giấy tờ. Sau khi xác nhận giấy tờ hợp lệ, cán bộ Tư pháp sẽ nộp hồ sơ lên Chủ tịch UBND xã, phường để ký tên và đóng dấu vào bản chính giấy khai sinh.

 

Thời gian tiếp nhận hồ sơ đăng ký giấy khai sinh từ sáng thứ 2 đến sáng thứ 7 trong giờ hành chính, thời hạn cơ quan giải quyết cấp giấy khai sinh là trong vòng 1 ngày, đối với các trường hợp còn vấn đề cần xác nhận thì giải quyết không quá 7 ngày.

 

Trong tình huống giấy khai sinh bản chính bị mất, bố mẹ cần chuẩn bị đầy đủ các giấy tờ cần thiết theo quy định của pháp luật và nộp tại UBND xã nơi đã đăng ký làm giấy khai sinh trước đây hoặc nơi bạn thường trú để xin cấp lại giấy khai sinh.

3. Một số trường hợp đặc biệt trong đăng ký thủ tục làm giấy khai sinh

Thật kém may mắn khi một số bé sơ sinh ra bị bỏ rơi ở cửa chùa, bệnh viên, khu dân cư, trẻ mồ côi không xác định được cha, mẹ. Đối với những trường hợp đặc biệt như vậy, pháp luật nhà nước có những quy định riêng bằng văn bản, cụ thể như sau:

3.1. Đối với một số trẻ bị bỏ rơi

Theo nghị định số 123/2015/NĐ-CP ngày 15/11/2015 của Chính phủ, người phát hiện trẻ bị bỏ rơi có nhiệm vụ bảo vệ an toàn và báo cáo ngay cho Ủy ban nhân dân hoặc Công an xã tại nơi tìm thấy trẻ. Sau khi nhận được thông tin đó, Chủ tịch UBND xã, phường hoặc Trưởng phòng Công an xã, phường tổ chức lập biên bản về việc trẻ bị bỏ và phải có trách nhiệm giao cho cá nhân hoặc tổ chức tạm thời chăm sóc, nuôi dưỡng.

 

Sau khi UBND niêm yết 7 ngày về việc trẻ bị bỏ rới mà không có thông tin về cha, mẹ đẻ của bé, UBND thông báo cho cá nhân, tổ chức nhận nuôi trẻ về việc thực hiện thủ tục làm giấy khai sinh.

 

Nếu không xác định được thời gian chính xác khi bé chào đời thì pháp luật quy định lấy ngày, tháng, năm khi phát hiện trẻ bị bỏ rơi là ngày sinh cho em bé.

Trẻ bị bỏ rơi

Trẻ sơ sinh bị bỏ rơi được cá nhân, tổ chức nhận nuôi

 

3.2. Đối với trẻ chưa xác định được cha, mẹ

UBND cấp xã, phường nơi trẻ đang cư trú có trách nhiệm đăng ký và cấp giấy khai sinh cho trẻ chưa xác định cha, mẹ. Trong trường hợp không xác định thông tin về người cha thì có thể đăng ký khai sinh họ, dân tộc, quê quán, quốc tịch của con tương tự theo thông tin của người mẹ, phần ghi về cha trong Giấy khai sinh của trẻ để trống và ngược lại.

 

Nếu trong trường hợp người cha muốn làm thủ tục nhận con thì UBND kết hợp giải quyết thủ tục nhận con và thủ tục làm giấy khai sinh.

Trẻ chưa xác định được cha mẹ

Trẻ chưa xác định được cha, mẹ sẽ được cấp giấy khai sinh theo quy định riêng

3.3. Trẻ sinh ra do mang thai hộ

Trong trường hợp này, người đi đăng ký giấy khai ngoài việc cần chuẩn bị những giấy tờ như đã nói trên thì còn cần những giấy tờ xác nhận của cơ sở y tế khi thực hiện mang thai hộ. Trong giấy khai sinh của trẻ, phần thông tin của cha mẹ thì được ghi theo thông tin của cặp vợ chồng nhờ mang thai hộ

3.4. Những trẻ sinh ra tại nước ngoài nhưng về cư trú, sinh sống tại Việt Nam

Những trẻ có cha hoặc mẹ hoặc cả cha và mẹ có quốc tịch Việt Nam, sinh ra tại nước ngoài sau đó chuyển về cư trú được đăng ký khai sinh tại UBND cấp huyện nơi trẻ đang được cư trú.

4. Những lưu ý trong khi thực hiện thủ tục làm giấy khai sinh cho trẻ

Các bậc phụ huynh cần lưu ý nắm rõ những quy định của pháp luật trong thủ tục làm giấy khai sinh để tránh vi phạm các lỗi như sau:

- Cảnh cáo đói với người có trách nhiệm đăng ký khai sinh cho trẻ mà không thưc hiện việc đăng ký đúng thời hạn.

- Cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 300.000 đồng đến 500.000 đồng đối với hành vi sửa chữa, tẩy xóa, làm sai lệch nội dung giấy tờ do cơ quan, tổ chức có thẩm quyền cấp để làm thủ tục đăng ký khai sinh.

- Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:

  • Làm chứng sai sự thật về việc sinh.
  • Cố ý khai không đúng sự thật về nội dung khai sinh.
  • Sử dụng giấy tờ giả để làm thủ tục đăng ký khai sinh.

- Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi làm giả giấy tờ để làm thủ tục đăng ký khai sinh.

 

Tránh vi phạm lỗi trong làm giấy khai sinh

Cha mẹ cần tránh vi phạm lỗi trong làm giấy khai sinh

 

Mong rằng qua những thông tin về thủ tục làm giấy khai sinh mà chúng tôi cung cấp ở trên sẽ giúp cho việc đăng ký giấy khai sinh của bố mẹ trở nên dễ dàng, thuận tiện hơn. Chúc bố mẹ sẽ gặp nhiều may mắn và thành công trên hành trình nuôi dưỡng bé yêu nhé!

Dược sĩ: Mai Anh

 

 

 

 

GỬI CÂU HỎI hoặc ĐẶT HÀNG TẠI ĐÂY!