news

Đừng bỏ qua: Cách nhân biết sữa mẹ bị hỏng!

 Dược sĩ Nguyễn Thị Thảo
 Bác sĩ Phạm Thị Thục
Vắt sữa để dự trữ là cách mà nhiều mẹ lựa chọn để đảm bảo bé có thể được dùng sữa mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu. Tuy nhiên, có một điều các mẹ ít để ý là trữ sữa, rã đông không đúng cách dẫn tới nguy cơ sửa hỏng rất cao và gây ra hậu quả... Vì vậy, những dấu hiệu nhận biết sữa mẹ bị hỏng sẽ là kiến thức cần cập nhật để tránh những “rắc rối” cho bé

1. Dấu hiệu nhận biết sữa mẹ bị hỏng

Sữa mẹ mới vắt hoặc hút ra thường có màu trắng ngà, mùi thơm nhẹ, có vị hơi béo và có độ sánh nhất định. Nhưng sau một thời gian hoặc điều kiện bảo quản không tốt có thể dẫn đến sữa mẹ bị hỏng gây cho bé những rối loạn trong hệ tiêu hóa. 

1.1 Màu sắc

Màu sắc là “tín hiệu” đầu tiên mà mẹ có thể quan sát và nhận ra “chất lượng” của sữa có vấn đề hay không. 

 

Tùy thuộc vào thời gian, chế độ dinh dưỡng mà sữa mẹ có màu sắc khác nhau. Nhưng màu sắc phổ biến của sữa mẹ là trắng ngà hoặc vàng nhạt. Trong quá trình bảo quản, vi khuẩn xâm nhập và hoạt động có thể làm thay đổi màu sắc đặc trưng này của sữa mẹ.

Màu sắc của sữa cho biết sữa mẹ có hỏng hay không?

Màu sắc của sữa cho biết sữa mẹ có hỏng hay không?

Tuy nhiên, chỉ mỗi yếu tố về màu sắc thôi là chưa đủ để kết luận sữa có bị hỏng hay không. Mẹ cùng Ích Mẫu Lợi Nhi tìm hiểu thêm những tiêu chí khác nữa nhé!

1.2 Mùi vị

Ngoài màu sắc, thì mùi vị là yếu tố thứ 2 mẹ có thể dùng để “kiểm định” chất lượng sữa. Trong thời gian bảo quản, vi khuẩn lọt vào qua quá trình vắt và bảo quản, chúng có thế dùng chính nguồn dinh dưỡng có trong sữa mẹ để nhân lên, chính những hoạt động tích cực của chúng gây ra những mùi vị lạ cho sữa mẹ.

 

Sữa mẹ bình thường có vị ngọt, béo tự nhiên, pha thêm một chút xíu vị mặn. Loại trừ nguyên nhân do thức ăn, nước uống, thuốc mẹ đang sử dụng, nếu sau quá trình bảo quản sữa mẹ có những mùi lạ dưới đây thì mẹ đừng nên tiếc công, tiếc của mà cho bé sử dụng tiếp mẹ nhé:

 

  • Mùi chua
  • Mùi hôi khó chịu
  • Mùi tanh

Mùi vị khó chịu khiến bé từ chối ngay sau ngụm nhỏ sữa mẹ

Mùi vị khó chịu khiến bé từ chối ngay sau ngụm nhỏ sữa mẹ

1.3 Sữa mẹ nổi váng

Sữa mẹ vắt ra sau vài phút có thể đã có một lớp váng trên bề mặt (sữa mẹ nổi váng dầu), nguyên nhân là do hàm lượng chất béo trong sữa mẹ rất lớn khi để lâu chất béo có thể tách lớp và nổi lên trên bề mặt. Lớp váng này dễ dàng hòa tan trở lại khi mẹ lắc đều. Hiện tượng này coi là bình thường ở sữa mẹ.

 

Vậy khi nào “nổi váng” trở lên bất thường ở sữa mẹ?

 

Khi lớp váng này trở nên “cứng đầu”, mẹ có lắc, khuấy mạnh đến cỡ nào cũng không chịu “biến mất” là lúc báo hiệu sữa mẹ có những “bất ổn” và không nên tiếp tục cho bé sử dụng nữa mẹ nhé!

 

Lúc đầu lớp váng sữa chỉ đơn thuần là màu trắng đục, sau đó chuyển dần sang màu vàng và có kèm thêm mùi chua, hôi khó chịu và bọt khí.

 

>>> Xem thêm: Sữa mẹ có màu hồng hoặc đỏ - sữa mẹ có máu: Nguyên nhân do đâu? Có nên tiếp tục cho bé bú? Mẹ cần làm gì khi sữa mẹ có máu?. Cùng tìm hiểu ngay tại bài viết "Hốt hoảng khi thấy trong sữa mẹ có máu: có nguy hiểm không?"

 

Sữa mẹ nổi váng – lời báo hiệu sữa đã bị hỏng

Sữa mẹ nổi váng – lời báo hiệu sữa đã bị hỏng

1.4  Sữa đã quá thời gian bảo quản

Khi bảo quản trong điều kiện khác nhau thì “hạn sử dụng” của sữa mẹ cũng khác nhau. Do sữa mẹ rất giàu chất dinh dưỡng, nên nó là môi trường thuận lợi để các vi khuẩn khác nhau sinh sôi. 

 

Chính vì vậy, nếu sữa chưa có biểu hiện gì là đã hỏng, mà đã quá thời gian bảo quản thì mẹ cũng đừng nên tiếc của mà cho các bé sử dụng, mẹ nhé!

 

1.5 Bé xuất hiện những biểu hiện lạ khi dùng sữa mẹ 

Mẹ đừng bỏ qua những “tín hiệu” từ bé yêu nhà mình nhé! Vì vị giác của bé rất nhạy cảm, bé có thể phân biệt được sữa mẹ tốt - sữa mẹ xấu, bất cứ sự thay đổi nhỏ trong sữa mẹ bé cũng có thể nhận ra và phản ứng lại.

 

Nếu mới chỉ “nhấp” một ngụm nhỏ mà bé đã khóc và “từ chối” ăn tiếp hoặc bé trở nên quấy khóc trong khi không có bất kỳ dấu hiệu nào của việc đang mắc bệnh, thiếu ngủ, mệt mỏi thì mẹ nên kiên quyết vứt bỏ sữa mẹ đã hút ra nhé!

 

Quấy khóc – nguyên nhân có thể đến từ việc dùng sữa đã bị hỏng

Quấy khóc – nguyên nhân có thể đến từ việc dùng sữa đã bị hỏng

2. Nguyên nhân khiến sữa mẹ bị hỏng

Mặc dù rất cẩn thận khi vắt sữa, cũng như bảo quản nhưng những “lỗi” nhỏ mà nhiều mẹ mắc phải sau đây khiến sữa mẹ nhanh chóng hư hỏng và phải vứt đi:

 

  • Dụng cụ hút sữa, túi trữ sữa, và tay mẹ không đảm bảo vệ sinh, tạo điều kiện cho vi khuẩn “lọt” vào trong và nhân lên khiến sữa nhanh chóng bị hỏng hơn.

 

  • Sữa được để ngay ở cánh tủ lạnh. Việc này tai hại hơn mẹ nghĩ nhiều, bởi vì nhiệt độ ở cánh tủ không ổn định, nhất là khi mở cửa tủ. Chính điều này thúc đẩy vi khuẩn có sẵn trong sữa sinh sôi nhanh hơn.

 

  • Thành phần chủ yếu của sữa mẹ là nước, mà khi đông đặc nước có tăng đáng kể về thể tích. Khi mẹ đổ quá đầy dễ bị tràn trong quá trình bảo quản, vậy nên mẹ đừng “dại” đổ quá ¾ thể tích dụng cụ trữ sữa nhé!

 

  • “Trộn” sữa trữ đông từ hôm trước và sữa vừa vắt. Điều này là “cấm kỵ” trong bảo quản sữa bởi sự chênh lệch nhiệt độ của 2 loại sữa sẽ “rút ngắn” hạn sử dụng của sữa lại.

 

  • Sai lầm khi dùng lò vi sóng để hâm nóng sữa. Mẹ có thể nghĩ rằng lò vi sóng sẽ giúp rã đông sữa nhanh hơn nhưng nhược điểm mà nó mang lại là tiêu diệt kháng thể và phân hủy những chất dinh dưỡng có trong sữa mẹ.

 

  • Nếu không phải lò vi sóng thì lựa chọn của nhiều mẹ là để ở nhiệt độ phòng để rã đông sữa mẹ. Tuy nhiên, mẹ đang “tiếp tay” cho vi khuẩn trong không khí xâm nhập và ảnh hưởng đến chất lượng của sữa.

 

  • “Hạn sử dụng” cũng là điều mẹ nên chú ý khi bảo quản sữa. Bởi khi bảo quản sữa mẹ trong thời gian quá dài hàm lượng dinh dưỡng, vitamin C, chất béo bị giảm đi đáng kể. Đi kèm là sự phát triển quá giới hạn của các loại vi khuẩn trong đó có thể gây cho bé những “rắc rối” về tiêu hóa. Nếu còn chưa biết “hạn sử dụng” sữa mẹ trong từng điều kiện bảo quản cụ thể, thì phần tiếp theo sẽ cho mẹ câu trả lời nhé!

 

Mẹ đã biết cách rã đông sữa mẹ?

Mẹ đã biết cách rã đông sữa mẹ?

3. Sữa mẹ để ngoài bao lâu thì hỏng

Mặc dù mẹ “tuân thủ” mọi kỹ thuật trong vắt sữa và bảo quản thì sữa vắt ra chỉ có “hạn sử dụng” nhất định và hạn sử dụng này phụ thuộc vào từng điều kiện bảo quản nhất định:

 

  • Bảo quản ở nhiệt độ phòng (trên 26oC): sử dụng ngay trong vòng 1 giờ đồng hồ
  • Bảo quản trong phòng lạnh (dưới 26oC): thời gian sử dụng tối đa là dưới 6 giờ.
  • Bảo quản trong ngăn mát tủ lạnh: sử dụng ngay trong thời gian 48 giờ.
  • Trong ngăn đá tủ lạnh:
    • Loại tủ lạnh nhỏ 1 cửa: tối đa 2 tuần
    • Loại tủ 2 cửa (ngăn đá và ngăn mát): bảo quản trong vòng 4 tháng
    • Tủ đông lạnh chuyên dụng trữ sữa: đảm bảo chất lượng sữa mẹ trong 6 tháng.

4. “Hoảng” khi biết hậu quả khi bé dùng sữa bị hỏng

Hệ tiêu hóa của bé trong giai đoạn này đang hoàn thiện dần dần, cộng thêm với sức đề kháng còn non nớt. Chính vì vậy, những hậu quả khi bé chẳng may dùng phải sữa mẹ hỏng sau đây sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến sức khỏe, đặc biệt là hệ tiêu hóa của trẻ.

 

  • Tiêu chảy: Rối loạn tiêu hóa và điển hình là tiêu chảy là hậu quả mẹ có thể đoán ra được. Nếu dùng sữa bị hỏng trong thời gian dài còn có thể dẫn đến tổn thương lâu dài đối với hệ thống tiêu hóa của bé.

 

  • Đầy bụng: thành phần dinh dưỡng có trong sữa mẹ đã bị phân hủy, biến chất, những chất này trở nên “bất trị” trước hệ tiêu hóa của trẻ, hậu quả bé quấy khóc bởi đầy bụng, khó tiêu.

 

  • Co thắt dạ dày: Chỉ sau một thời gian ngắn khi “tiếp nhận” sữa bị hỏng, hệ tiêu hóa của trẻ sẽ phản ứng bằng cách tăng co bóp để tống những chất độc ra ngoài, gây hậu quả là những cơn đau bụng “ghé thăm” trẻ đột ngột.

 

  • Nôn mửa: Sau những đợt co thắt dạ dày là những cơn buồn nôn, hoặc nguy hiểm hơn là nôn mửa gây mệt mỏi, biếng ăn về sau.

5. Lưu ý khi bảo quản sữa mẹ

Dù hút sữa của mình hay xin sữa mẹ thì trữ sữa dành cho con là cách mà nhiều bà mẹ “hiện đại” đang sử dụng hiện nay. Tuy nhiên, cách bảo quản sữa là điều mẹ không thể không biết để vẫn có thể mang đến cho bé trọn vẹn giá trị dinh dưỡng quý báu của sữa mẹ.

 

  • Lựa chọn dụng cụ trữ sữa phù hợp 

 

  • Ghi ngày, giờ và số ml đã vắt trên mỗi túi, bình sữa.

 

  • Đảm bảo tiệt trùng dụng cụ vắt sữa, tay và bầu sữa trước khi tiến hành vắt sữa

 

  • Sau khi vắt sữa cần bảo quản sữa vào tủ lạnh ngay.

 

  • Nếu bảo quản sữa ở nhiệt độ phòng thì cần tránh ánh sáng trực tiếp của mặt trời, những nguồn nhiệt có thể tác động xấu đến chất lượng sữa mẹ.

 

  • Chia nhỏ lượng sữa vào từng dụng cụ trữ sữa, lượng sữa phù hợp với từng bữa của bé, giảm thiểu thời gian làm lạnh, và rã đông nhanh hơn.

 

Bảo quản sữa mẹ ở nhiệt độ phòng cần tránh ánh sáng mặt trời trực tiếp

Bảo quản sữa mẹ ở nhiệt độ phòng cần tránh ánh sáng mặt trời trực tiếp

 

Cách vắt sữa và bảo quản sữa mẹ luôn được các mẹ đặt lên hàng đầu, bởi ai cũng muốn dành trọn vẹn yêu thương của mình trong suốt hành trình nuôi con bằng sữa mẹ. Hy vọng bài viết “Đừng bỏ qua: Cách nhận biết sữa mẹ bị hỏng!” sẽ là thông tin bổ ích dành cho mẹ!

GỬI CÂU HỎI hoặc ĐẶT HÀNG TẠI ĐÂY!